351, ấp 3, Bến Củi

Dương Minh Châu, Tây Ninh

0395 41 51 21

Zalo , Facebook

T2 - CN : 7:30 - 19:00

Liên hệ tư vấn và báo giá

Nhiều năm trở lại đây, dường như năm nào bệnh phấn trắng cũng hoành cây cao su. Vườn cây cao su bị bệnh rụng lá nhiều lần, làm chậm thời gian khai thác, ảnh hưởng đến năng suất và chất lượng vườn cây. Tuy nhiên, không phải không có các biện pháp phòng trừ…

Xót xa vì bệnh phấn trắng
Xót xa trước vườn cây bị bệnh phấn trắng vẫn chưa hồi phục, anh Nguyễn Minh Vương ở thôn 1 A , xã Đăk La (Đăk Hà) thở dài: “Không chỉ vườn cây cao su của gia đình chúng tôi mà gần như hầu hết cao su ở đây đều bị bệnh phấn trắng. Biết là bệnh phấn trắng gây hại nặng cao su, nhưng gia đình chúng tôi cũng như bà con ở đây chưa có ai phun thuốc trừ bệnh vì không có máy móc hay công cụ chuyên dụng phun thuốc lên lá”.
 
Ngay cả nhiều nông trường cũng chưa thể tiến hành phun thuốc phòng trừ. Ông Nguyễn Văn Năm-giám đốc Nông trường Cao su Đăk Hring tâm sự: “Nông trường có khoảng 600 ha cao su bị bệnh phấn trắng. Tuy nhiên, năm nay Công ty TNHHMTV cao su Kon Tum chỉ phun thuốc thí điểm trừ bệnh ở Nông trường Cao su Hòa Bình và Tân Hưng”.
 
Tại Nông trường Cao su Hòa Bình, chúng tôi nhìn thấy nhiều vườn cây bị bệnh phấn trắng vẫn chưa phục hồi hoàn toàn. Giám đốc Nông trường Bùi Gia Đạo cho biết: “Năm nay vườn cao su của Nông trường bị bệnh nặng. Nhiều vườn cây tỷ lệ bệnh lên đến 80-90%. Theo sự chỉ đạo của lãnh đạo công ty, năm nay Nông trường đã tổ chức phun thuốc trừ bệnh. Nhưng do chưa có máy móc chuyên dụng phun thuốc lên lá cao su nên Nông trường phun thuốc bằng máy cày độ chế. Song việc phun thuốc cũng gặp nhiều khó khăn vì cây cao su cành lá đều ở trên cao rất vướng víu. Tiến độ phun chậm. Tuy nhiên, nhiều vườn cây đã phun thuốc trừ bệnh hiệu quả rõ rệt. Mức độ bệnh phấn trắng đã giảm được 40-50%”.
 
Các biện pháp phòng trừ
 
Theo Phó Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Trần Văn Chương, bệnh phấn trắng do nấm Oidium heveae gây ra. Qua điều tra và báo cáo của Chi cục Bảo vệ thực vật, bệnh phấn trắng hoành hành trên hàng chục nghìn ha cao su. Tuy nhiên, mỗi vùng có tỷ lệ bệnh và mức độ nhiễm bệnh khác nhau. Tại huyện Đăk Hà, Đăk Tô, Ngọc Hồi và thành phố Kon Tum tỷ lệ bệnh phổ biến trên cây cao su kinh doanh từ 10-20%, cao lên đến 70 – 100%.  Cấp bệnh phổ biến từ C1 – 5, cục bộ C7- 9. Bệnh đang có xu hướng phát sinh mạnh, gây ảnh hưởng đến sinh trưởng,  năng suất vườn cây và để lại những di chứng nặng làm lá bị biến dạng.
 
Trước tình hình trên, Sở NN&PTNT đã có hướng dẫn UBND các huyện, thành phố, các tổ chức, doanh nghiệp một số biện pháp phòng trừ bệnh phấn trắng. Biện pháp phòng trừ trước mắt: thường xuyên vệ sinh vườn cây, thu gom lá rụng trên mặt vườn đem tiêu hủy để hạn chế bệnh lây lan. Đối với diện tích nhiễm bệnh từ 15% trở lên cần phun thuốc hóa học để tiêu diệt nguồn bệnh, phun từ 1 – 3 lần, mỗi lần cách nhau từ 5 – 7 ngày. Các loại thuốc được khuyến cáo sử dụng là: Kumulus 80DF; Sulox 80WP, Anvil 5SC; Callihex 50SC; Dibazole 10LS, Carbenzim 500 FL, Carban 50SC, Dibavil 50WP … (nồng độ và liều lượng sử dụng theo khuyến cáo của nhà sản xuất ghi trên bao bì sản phẩm). Để tăng khả năng chống chịu bệnh, giúp cây phục hồi nhanh, nên kết hợp phun thuốc trừ bệnh với các loại phân bón qua lá giàu hàm lượng kali như: Multi-K; Kali Humat; Final-K … (lưu ý: Khi phun thuốc bà con nên sử dụng bình bơm cao áp phun ướt đều 2 mặt lá của cây, phun vào sáng sớm hoặc chiều mát, không phun vào thời gian nắng to và giữa trưa). Biện pháp lâu dài: tăng lượng phân và bón cân đối giữa đạm, lân, kali vào giai đọan cuối mùa mưa để giúp cây tích lũy dinh dưỡng nhằm tăng khả năng ra lá mới nhanh và sớm ổn định. Trong thời kỳ cây cao su thay lá, bà con cần kiểm tra vườn cây thường xuyên để sớm phát hiện bệnh và phun thuốc phòng trị kịp thời. Trên cùng một diện tích nên bố trí trồng xen kẽ các giống cao su khác nhau (tối thiểu mỗi giống chỉ trồng 12 – 25 ha) nhằm hạn chế lây lan dịch bệnh. Đặc biệt, nên trồng các dòng vô tính có sức đề kháng với bệnh cao hơn như PB 260, PB 312, PB 255, RRIC 121…(theo khuyến cáo cơ cấu giống giai đoạn 2011- 2015 của Viện nghiên cứu cao su Việt Nam).
 
Bài và ảnh: Văn Nhiên – http://www.kontum.gov.vn

Liên hệ ngay
Xin chào! Chúng tôi có thể giúp gì cho bạn?
Gọi ngay