351, ấp 3, Bến Củi

Dương Minh Châu, Tây Ninh

0395 41 51 21

Zalo , Facebook

T2 - CN : 7:30 - 19:00

Liên hệ tư vấn và báo giá

Bình Thuận phát triển nhanh diện tích cao su

Hiện nay, diện tích cây cao su toàn tỉnh Bình Thuận đạt hơn 32.600 ha. Từ năm 2006 đến năm 2010, bình quân mỗi năm, các địa phương trong tỉnh trồng mới hơn 4.000 ha cao su.

Bình Thuận phát triển nhanh diện tích cao su 

Trong đó, Tánh Linh là huyện dẫn đầu diện tích trồng cao su của tỉnh với gần 15.500 ha, chiếm gần 50% diện tích, kế đến là các huyện Đức Linh, Hàm Thuận Bắc và gần đây, cây cao su phát triển mạnh ở huyện Hàm Tân, với diện tích gần 4.200 ha. Từ năm 2006 đến năm 2010, bình quân mỗi năm, các địa phương trong tỉnh trồng mới hơn 4.000 ha cao su.

Toàn tỉnh có gần 50% diện tích cao su đang cho thu hoạch, năng suất mủ bình quân đạt 13,7 tạ/ha, sản lượng mủ cao su ước đạt khoảng gần 20.000 tấn. Trong đó, huyện Tánh Linh có hơn 9.000 tấn, chiếm hơn 46% sản lượng mủ cao su toàn tỉnh. Cá biệt, nhiều vườn cao su ở Tánh Linh, Đức Linh đạt năng suất bình quân từ 15 – 18 tạ/ha. Với giá bán dao động từ 30 – 40 triệu đồng/tấn mủ nguyên liệu, sau khi trừ chi phí, người nông dân trồng cao su thu lãi khoảng 40 – 45 triệu đồng/ha. Cây cao su là cây chủ lực, đã góp phần đáng kể trong việc xóa đói giảm nghèo cho vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Nhiều hộ thoát nghèo và giàu lên từ trồng cao su. Chị K’ Thị Yến, dân tộc Rak lay ở xã Đông Giang, huyện Hàm Thuận Bắc cho biết: Với diện tích gần 2 ha, được Nhà nước hỗ trợ, ban đầu trồng cao su, chị trồng xen cây bắp, cây đậu…cũng có thu nhập. Nhưng khi cây cao su cho lấy mủ, gia đình chị thu nhập khá cao, khoảng hơn 40 triệu đồng/ha. Tương tự, hộ anh K’ Văn Thinh, K” Văn Đốp nhờ có lao động nên thu nhập từ 50 đến 70 triệu đồng/ha/năm. Tại xã Gia Huynh (huyện Tánh Linh), nhiều hộ như anh Trần Văn Minh, Huỳnh Thanh Long, bà Huỳnh Thị Kim Vui…, dân tộc Châu Ro, kinh tế gia đình khá lên, thu nhập mỗi năm hàng trăm triệu đồng, cũng nhờ trồng cao su từ khi được giao đất sản xuất theo Nghị quyết 04 của Tỉnh ủy Bình Thuận.

Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn tỉnh Bình Thuận, diện tích quy hoạch cao su của tỉnh đến năm 2010 là 20.000 ha, nhưng đến nay vượt kế hoạch hơn 12.000 ha. Huyện Đức Linh và Tánh Linh là vùng trồng cao su tập trung nhiều nhất của tỉnh. Sản lượng mủ cao su từ hơn 6.500 tấn năm 2005, đến cuối năm 2010 đã tăng lên gần 20.000 tấn. Cùng với phát triển diện tích, Bình Thuận hiện có 13 cơ sở thu mua, chế biến mủ cao su với tổng công suất thiết kế là 28.600 tấn sản phẩm mủ tờ và mủ cốm mỗi năm. Khối lượng mủ cao su xuất khẩu chính ngạch của tỉnh từ 318 tấn năm 2005 đã lên 2.150 tấn vào năm 2010, giá trị kim ngạch xuất khẩu đạt khoảng 6,8 triệu USD/năm. Nếu so với sản lượng khai thác, thu mua, chế biến xuất khẩu mủ cao su mới chiếm khoảng 10%. Bởi phần lớn sản lượng mủ cao su của các hộ tiểu điền do tư thương thu gom, bán lại cho các cơ sở chế biến các tỉnh Đồng Nai, Bình Dương…

Là loại cây trồng chủ lực của nhiều hộ nông dân các xã miền núi, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, cây cao su đã đem lại hiệu quả rõ nét trên một số vùng đất ở Bình Thuận. Không chỉ dân địa phương trồng, mà một số người ở ngoài tỉnh cũng đến Bình Thuận mua đất trồng cao su. Để phát triển cao su bền vững, các địa phương cần phải nắm chắc, rà soát, quy hoạch lại diện tích cao su trên địa bàn. Từ đó, có biện pháp hướng dẫn, giúp nông dân, nhất là đồng bào dân tộc có diện tích trồng cao su đầu tư đúng mức và áp dụng tiến bộ kỹ thuật trong quá trình trồng, chăm sóc, thâm canh, phòng chống sâu bệnh.. để tăng năng suất, sản lượng cao su; giúp nông dân chọn nguồn chất lượng tốt, phù hợp với địa phương để phát triển trồng cao su. Tỉnh Bình thuận cũng đã có đề án phát triển cây cao su vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Trước mắt, ưu tiên hỗ trợ vốn cho đồng bào dân thộc thiểu số đầu tư trồng mới cao su theo quy hoạch, với diện tích hơn 1.280 ha đến năm 2012. Các địa phương đang tiến hành rà soát, thống kê diện tích, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, triển khai thực hiện đến từng hộ tham gia đề án trồng mới cao su. Tỉnh khuyến khích doanh nghiệp thu mua, chế biến mủ cao su, đầu tư đổi mới thiết bị, nâng cao chất lượng, sức cạnh tranh sản phẩm; mở rộng cơ sở thu mua, chế biến mủ cao su đến các địa bàn tập trung trồng cao su và chú trọng đầu tư hệ thống xử lý nước thải, không để tác động xấu đến môi trường.

Diện tích cây cao su ở tỉnh Bình Thuận đang phát triển nhanh, góp phần khai thác có hiệu quả tiềm năng đất đai, tạo ra vùng sản xuất tập trung, chuyên canh, thúc đẩy phát triển công nghiệp chế biến, tăng kim ngạch xuất khẩu cho địa phương. Qua đó, góp phần giải quyết việc làm, tăng thu nhập cho hàng chục ngàn lao động ở nông thôn, miền núi, vùng đồng bào dân tộc thiểu số./.

Nguồn : BaoMoi.com
Liên hệ ngay
Xin chào! Chúng tôi có thể giúp gì cho bạn?
Gọi ngay