351, ấp 3, Bến Củi

Dương Minh Châu, Tây Ninh

0395 41 51 21

Zalo , Facebook

T2 - CN : 7:30 - 19:00

Liên hệ tư vấn và báo giá

Nỗi buồn “vàng trắng”Trong những năm gần đây, cây cao su ngày càng khẳng định được thế đứng và giá trị của nó trên huyện rẻo cao Minh Hoá (Quảng Bình). Cây công nghiệp dài ngày này đã mang lại hiệu quả kinh tế cao cho nhiều người dân nơi đây. Do đó, nhiều hộ nông dân tiếp tục đẩy mạnh trồng cao su với hy vọng đổi đời từ loài cây “vàng trắng” này. Thế nhưng, đợt rét đậm, rét hại vừa qua đã làm hàng trăm hécta cao su mới trồng bị chết, khiến nhiều người dân phải rưng rưng nước mắt.

Tính đến năm 2009, toàn huyện Minh Hoá (Quảng Bình) có 417ha đất đã trồng cây cao su. Năm 2010, với sự hỗ trợ của Chương trình 30a của Chính phủ cùng chính sách chuyển đổi cơ cấu cây trồng của huyện, bà con nông dân đã trồng thêm 272ha nữa.

Diện tích cao su mới trồng tập trung nhiều ở các xã Hoá Hợp, Trung Hoá, Thượng Hoá, Minh Hoá, Tân Hoá, Hồng Hoá… Tuy nhiên, trong đợt rét đậm, rét hại đầu năm 2011 đến nay, đã làm cho toàn bộ diện tích cao su mới trồng gần như mất trắng. Sự huỷ diệt của đợt rét đó còn làm cho hàng chục hécta cao su trồng các năm trước cũng chết hoặc héo úa, phải chặt bỏ.

Hiện, toàn xã Hồng Hoá mới có 15ha đất đã trồng cao su. Năm 2009 mới có 7ha được trồng tại vùng Cầu Roòng và một số nơi khác. Sau một thời gian, cây cao su đã phát triển rất tốt và hứa hẹn cho thu nhập cao. Sang năm 2010, Chương trình 30a của Chính phủ đã hỗ trợ giống và phân bón cho bà con mở rộng thêm 8ha nữa. Thế nhưng, trong đợt rét vừa qua đã làm cho toàn bộ 15ha cao su nơi đây bị chết khô.

Anh Cao Văn Cừ – một người dân trồng cao su ở thôn Vè, xã Hồng Hoá – buồn bã nói: “Toàn bộ 300 cây cao su nhà tôi đã trồng bị chết hết trong đợt rét vừa qua rồi”.

Là xã có diện tích cao su lớn nhất huyện với 376ha, người dân Hoá Hợp đã đầu tư trồng cao su trước những năm 2000 và đã mang lại nguồn thu nhập cao cho hàng chục gia đình. Nhưng đợt rét vừa qua đã làm hàng trăm người dân nơi đây phải “dở khóc, dở mếu” vì cao su chết hàng loạt. Không chỉ có cao su trồng năm 2010 chết, mà những vườn cao su 2-3 năm tuổi cũng héo úa và chết dần chết mòn.

Anh Đinh Thanh Sang – một người trồng cao su ở thôn Tân Lợi – không cầm được nước mắt khi nhìn 4ha cao su của mình chết hết: “Thế là hết rồi! Hàng chục triệu đồng của tôi dồn vào trồng cao su giờ đã mất trắng. Nay biết lấy gì để trả nợ đây”.

Để có được trang trại trên 8ha, vợ chồng anh phải cuốc bộ hàng giờ đồng hồ băng đèo vượt suối vào Hung Giám và bỏ ra biết bao công sức để khai hoang cùng với số tiền đầu tư hàng chục triệu đồng. Nhưng hiện tại, tất cả 2.000 cây cao su của nhà anh Sang đang đứng trước nguy cơ… làm củi.

Chúng tôi có mặt tại Hung Rò, xã Minh Hoá. Nơi đây có khoảng 15ha đất rừng của 13 hộ gia đình ở vùng Tân Lý vừa mới trồng cao su cuối năm 2010. Trung bình mỗi cây giống người dân phải mua với giá từ 7.000-9.000 đồng. Ngoài ra, họ phải đầu tư hàng chục triệu đồng để mua cọc rào, thép gai, thuê công nhân về trồng với hy vọng đổi đời từ cây “vàng trắng”.

Tuy nhiên, cao su mới trồng xuống đã gặp ngay phải đợt rét đậm, rét hại, nên bị khô héo và chết. Ông Trương Đình Nguyên – thôn Tân Thượng – đau khổ nói: “Tôi vừa vay tiền và bán 3 con bò được 50 triệu đồng. Số tiền đó, tôi đầu tư trồng được 4ha cao su trên hai ngàn cây. Thế mà năm trước bị kẻ gian nhổ trộm mất gần 400 cây. Tiếp đến đợt rét bị chết thêm trên 70%. Số ít còn lại đã khô héo, không thấy lên mầm…”.

Cách đây 5 năm, 1.000 cây cao su trồng từ thập niên trước đã mang lại nguồn thu nhập mỗi năm hàng trăm triệu đồng cho gia đình anh Cao Tiến Dũng, xã Trung Hoá. Với rừng cao su hiện có cùng những lợi nhuận mang lại, vợ chồng anh tiếp tục trồng thêm 3.000 cây nữa. Sau một thời gian, cao su của anh phát triển rất tốt. Có những cây đã cao hơn 2m, bắt đầu xoè tán.

Nhưng cũng như bao người trồng cao su ở huyện Minh Hoá, anh Dũng cũng phải mang nặng nỗi buồn sau một mùa đông rét buốt vì cao su chết. Để cứu vớt vườn cao su, anh Dũng đã phải phun thuốc sương mai để chống rét, chặt đi phần thân cây khô rồi bôi thuốc Vaserlin (vadơlin) để phần còn lại khỏi héo… Không chỉ riêng anh, mà hàng chục người dân trồng cao su ở xã Trung Hoá cũng đang phải điêu đứng. Hiện toàn xã có 355ha cao su thì có trên 54ha đã mất trắng.

Ông Đinh Trọng Yên – Phó Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Minh Hoá – cho biết: “Trước mắt, phòng đang chỉ đạo cho bà con tiếp tục chăm sóc những diện tích cao su còn lại như: Chặt phần ngọn đã chết rồi bôi thuốc Vaserlin, phun thuốc sương mai để giữ sức cho cây. Mặt khác, chúng tôi đang kiểm tra để đánh giá mức độ thiệt hại và làm kế hoạch trình UBND huyện nhằm xin giống cho bà con trồng lại diện tích cao su bị chết và tiếp tục trồng mới”.

Trong khi chờ đợi sự hỗ trợ của Nhà nước, nhiều hộ dân cũng đang tích cực tự cứu những vườn cao su trong hy vọng. Khó có thể nói hết được nỗi buồn của người dân trồng cao su ở huyện rẻo cao này. Và giấc mơ đổi đời từ cây “vàng trắng” của nhiều bà con vẫn còn quá nhiều gian truân cùng bao hệ lụy khác mà nhiều người dân Minh Hoá đã và đang gánh chịu.

ĐINH XUÂN VƯƠNG

 

Liên hệ ngay
Xin chào! Chúng tôi có thể giúp gì cho bạn?
Gọi ngay