351, ấp 3, Bến Củi

Dương Minh Châu, Tây Ninh

0395 41 51 21

Zalo , Facebook

T2 - CN : 7:30 - 19:00

Liên hệ tư vấn và báo giá

Phát triển cây cao su ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số Tỉnh Kon Tum phấn đấu đến năm 2015 phát triển 70.000 ha cao su, đây được xem là giống cây chủ lực thực hiện công cuộc xoá đói, giảm nghèo bền vững ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Tính đến cuối năm 2010, trên địa bàn tỉnh Kon Tum còn gần 36.000 hộ nghèo, chiếm gần 35% tổng số hộ trong toàn tỉnh, trong đó, hơn 31.000 hộ nghèo là đồng bào dân tộc thiểu số. Để giúp đồng bào dân tộc thiểu số xoá đói, giảm nghèo bền vững, tỉnh Kon Tum đã ban hành nhiều chủ trương, chính sách phát triển mạnh cao su tiểu điền. Trong đó, có Đề án chính sách hỗ trợ kinh phí cho hộ người dân tộc thiểu số nghèo trồng cao su theo Nghị quyết 30-NQ/TU của Ban Thường vụ Tỉnh uỷ và UBND tỉnh Kon Tum ban hành Quyết định 14 ngày 11/2/2009. Theo đề án này, hơn 9.000 hộ được hỗ trợ kinh phí với tổng kinh phí cho vay gần 182 tỷ đồng huy động từ nguồn vốn của Ngân hàng chính sách xã hội. Diện tích hỗ trợ cho 1 hộ tối thiểu là 0,5 ha trở lên và đã được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. Thời gian vay tối đa là 10 năm. Ðể bảo đảm nguồn vốn trồng, chăm sóc cao su trong thời gian kiến thiết cơ bản, các hộ trồng cao su được vay vốn theo từng năm, tương ứng với số tiền đầu tư chăm sóc trên diện tích đăng ký. Bên cạnh đề án này, huyện Đăk Hà còn xây dựng chương trình hỗ trợ và cho vay tiền cây giống phát triển cao su hộ gia đình. Theo đó, mỗi hộ nghèo đồng bào dân tộc thiểu số sẽ được hỗ trợ 50% giá trị cây giống, hộ không nghèo được hỗ trợ 30%, mức hỗ trợ mỗi hộ không quá 3 triệu đồng.  

Nhờ tổ chức thực hiện đồng bộ các chủ trương, chính sách nên một số địa phương ngày càng nhiều hộ đồng bào dân tộc thiểu số nghèo mạnh dạn vay vốn tập trung phát triển cao su tiểu điền. Đơn cử như tại xã Ngọc Réo, huyện Đăk Hà, toàn xã còn trên 67% hộ nghèo, đời sống của đồng bào dân tộc thiểu số gặp rất nhiều khó khăn. Những năm gần đây, người dân nhận thức tích cực về việc trồng cây cao su để xoá đói, giảm nghèo. Tổng diện tích cao su trồng qua các năm mới chỉ đạt 489 ha thì chỉ tính riêng năm 2011, người dân đã đăng ký trồng mới gần 200 ha. Anh A Híp-một hộ gia đình nghèo trú tại thôn Kon Braih, xã Ngọc Réo, huyện Đăk Hà-cho biết:”Nhà nước cho gia đình vay vốn trồng, phát triển cao su rất mừng. Năm trước gia đình trồng được 1,5 ha cao su, năm nay tiếp tục vay tiền trồng mới 1,5 ha. Ngoài trồng cao su, gia đình trồng xen cây ngắn ngày dưới vườn cao su, sẽ xoá đói giảm nghèo. Gia đình mừng lắm.

Nhằm giúp người dân xoá đói, giảm nghèo bền vững, chuyển đổi phần diện tích đất trồng sắn bạc màu sang trồng cao su tiểu điền, chính quyền các cấp đã vào cuộc quyết liệt. Ồng Chu Văn Hiền – Bí thư Đảng uỷ xã Ngọc Réo, huyện Đăk Hà – cho biết :”Ban Thường vụ Đảng uỷ đã tập trung chỉ đạo UBND xã, các ban, ngành của xã tập trung tuyên truyền, vận động nhân dân chuyển đổi đất bạc màu sang trồng cao su hộ gia đình. Mặt khác, các đồng chí Uỷ viên, công chức xã phụ trách địa bàn phối hợp với đơn vị giúp đỡ người dân đào hố, xuống giống, chăm sóc vườn cây”.  

Tuy nhiên, tốc độ thực hiện giải ngân cho vay vốn phát triển cao su tiểu điền ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số vẫn còn chậm. Theo số liệu thống kê, đến ngày 31/5/2011, Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh Kon Tum mới chỉ giải ngân cho 246 hộ trên tổng số 9.000 hộ được hỗ trợ vốn vay theo đề án, chiếm tỷ lệ gần 3%. Hiện mới chỉ có huyện Đăk Hà, Sa Thầy, thành phố Kon Tum cho vay theo đề án; huyện Đăk Tô, Ngọc Hồi, Kon Rẫy và Đăk Glei vẫn chưa có báo cáo về tình hình giải ngân.  

Tại huyện Đăk Tô, theo lãnh đạo Ngân hàng Chính sách xã hội huyện Đăk Tô, cuối năm 2009, ngân hàng đã có thông báo xuống các xã về chương trình vốn vay ưu đãi này nhưng đến nay vẫn chưa nhận được danh sách đăng ký vay vốn của các xã, do đó chưa thể tiến hành thủ tục cho vay. Trong khi đó, người dân các xã lại đăng ký danh sách vay vốn trực tiếp với phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Đăk Tô và đến nay, danh sách này vẫn chưa đến được với ngân hàng. Sự chậm trễ và thiếu sự phối hợp đồng bộ giữa ngành chức năng đã làm cho 540 hộ nghèo đăng ký trồng 549 ha caosu theo Quyết định 14 của UBND tỉnh vẫn chưa thực hiện được. Dẫn đến hàng trăm ha đất lẽ ra đã được trồng cao su nay phải bỏ không hoặc trồng những cây đem lại hiệu quả kinh tế thấp. Ông Lương Ngọc Tuấn – Chủ tịch Hội Nông dân xã Kon Đào, huyện Đăk Tô- đề nghị:”Từ năm 2007 đến nay, nhu cầu người dân vay vốn để phát triển cao su tiểu điền rất nhiều, nhưng nay bà con vay vốn gặp nhiều khó khăn. Mong muốn của người dân, nếu dự án tiếp tục thì tạo điều kiện thuận lợi cho người dân vay vốn trồng cao su mang lại hiệu quả kinh tế cho người dân địa phương”.  

Thời gian tới, cây cao su được xác định là loại cây trồng đa mục tiêu, trở thành cây hàng hoá mũi nhọn được trồng phổ biến ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Là giống cây tiên phong trong phủ xanh đất bạc màu, nghèo kiệt vì trồng mì, thực hiện xoá đói giảm nghèo bền vững ở vùng sâu, vùng xa, vùng biên giới. Để thực hiện thắng lợi mục tiêu này, ông Trần Văn Chương – Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn tỉnh Kon Tum – cho biết:” Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Kon Tum đã tham mưu UBND tỉnh chuyển đổi diện tích đất sử dụng kém hiệu quả sang trồng cao su và xây dựng đề án phát triển caosu tiểu điền. Nếu được UBND tỉnh thông qua, đồng bào nghèo sẽ có cơ hội trồng cao su thoát nghèo bền vững. Theo đề án này, đồng bào nghèo là người dân tộc thiểu số sẽ được vay mỗi ha là 25 triệu đồng trong thời hạn 6 năm và hỗ trợ lãi suất 100%, người kinh sẽ được hỗ trợ 50%. Phương án thứ 2 là hỗ trợ về cây giống…”.  

Một vấn đề khác đang đặt ra cũng cần sự quan tâm giải quyết của các ngành, các cấp, đó là cây cao su cần có thời gian kiến thiết lâu dài đến 7 năm, sau khoảng thời gian này, cây cao su mới bắt đầu cho mủ. Do vậy, chính quyền các cấp hướng dẫn, chuyển giao các tiến bộ khoa học kỹ thuật, nhất là chuyển giao các loại giống cây trồng ngắn ngày như đậu tương, đậu đỗ, khoai môn… để người dân tranh thủ trồng dưới tán vườn cao su trước khi khép lá; đồng thời, khai hoang, bố trí một diện tích đất canh tác nông nghiệp phù hợp giúp người dân ổn định lương thực, nuôi sống gia đình hằng ngày. Có như vậy, vấn đề tập trung các nguồn lực đầu tư phát triển cao su ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số mới đem lại hiệu quả thực sự, phục vụ đắc lực sự nghiệp công nghiệp hoá, hiện đại hoá, xây dựng nông thôn mới ở vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số.

Bài, ảnh: Phan Cư
http://www.kontum.gov.vn

Liên hệ ngay
Xin chào! Chúng tôi có thể giúp gì cho bạn?
Gọi ngay