351, ấp 3, Bến Củi

Dương Minh Châu, Tây Ninh

0395 41 51 21

Zalo , Facebook

T2 - CN : 7:30 - 19:00

Liên hệ tư vấn và báo giá

Từng bước nâng cao chất lượng cao su Việt Nam

Từng bước nâng cao chất lượng cao su Việt NamTại Hội nghị hội viên Hiệp hội cao su Việt Nam 2011 tổ chức ngày 12/5 tại thành phố Hồ Chí Minh, ông Lê Quang Thung, Chủ tịch Hiệp hội Cao su Việt Nam (VRA), Chủ tịch Hội đồng quản trị Tập đoàn Cao su Việt Nam cho biết, hiện nay có một thực tế là các doanh nghiệp sản xuất cao su chỉ tập trung cho xuất khẩu, trong khi đó nhiều doanh nghiệp sản xuất cao su thành phẩm trong nước lại phải đi nhập nguyên liệu từ nước ngoài.

Theo ông Thung, hiện nay thuế suất của cao su xuất khẩu là 0%, trong khi nhập khẩu phải chịu mức thuế 5%, nếu doanh nghiệp nhập khẩu nguyên liệu để sản xuất hàng xuất khẩu thì sẽ được hoàn thuế khi sản phẩm đã thực xuất hàng ra khỏi Việt Nam. Ông Thung tính toán, như vậy nếu chỉ cần nhập khẩu 100 tỉ nguyên liệu, doanh nghiệp sẽ bị giam vốn 5 tỉ trong một thời gian dài, với lãi suất ngân hàng cao như hiện nay sẽ rất khó khăn cho doanh nghiệp. Lý giải về vấn đề này, ông Lê Văn Huy, Giám đốc Công ty TNHH Một thành viên Huy Anh cho rằng: “Chúng tôi thích bán hàng cho doanh nghiệp nước ngoài bởi vì lực mua trong một thời điểm tốt hơn doanh nghiệp trong nước, khả năng mua của các doanh nghiệp trong nước chưa đủ mạnh để hấp dẫn các đơn vị cung ứng nguyên liệu.

Hơn nữa khi bán cho đối tác nước ngoài, doanh nghiệp được hỗ trợ tài chính tốt hơn, khi giá rớt, khách hàng nước ngoài vẫn sẵn sàng mua trong khi doanh nghiệp trong nước thì không. Mặt khác, việc chào hàng đối với doanh nghiệp trong nước rất mất thời gian trong khi với khách hàng nước ngoài có thể chào bán ngay trong ngày. Tuy nhiên, nếu có sự lựa chọn thì chúng tôi vẫn thích bán cho doanh nghiệp trong nước hơn để tránh phức tạp khâu hoàn thuế giá trị gia tăng bởi chỉ sơ sẩy một chút, 5% đó sẽ khó được hoàn lại và doanh nghiệp coi như bị thua lỗ”.

Tại hội nghị, một vấn đề khác được đặt ra là chất lượng cao su Việt Nam còn chưa cao, chưa đồng đều, ảnh hưởng lớn tới thương hiệu cao su của quốc gia. Ông Đinh Ngọc Đạm, Giám đốc Công ty cổ phần cao su Đà Nẵng cho biết: ngày càng có thêm nhiều nhà máy dẫn đến hiện tượng tranh mua, tranh bán, chất lượng nào cũng bán được và doanh nghiệp buộc phải mua. Hiện nay, nguyên liệu từ các đơn vị thuộc Tập đoàn Cao su Việt Nam có chất lượng nhưng khó mua; vì vậy công ty chủ yếu mua từ các công ty khác, cao su tiểu điền, chất lượng không ổn định.

Ông Lê Văn Huy, Giám đốc Công ty TNHH một thành viên Huy Anh cho biết thêm, công ty mong muốn mua được nguyên liệu chất lượng tốt để xây dựng thương hiệu uy tín cho khách hàng. Tuy nhiên, vấn đề này không đơn giản do nguồn cung thiếu hụt so với nhu cầu nên dẫn đến hiện tượng tranh mua, chất lượng xấu tốt thế nào cũng bán được. Vì vậy, cần có sự hợp tác toàn ngành cao su, các cơ quan nhà nước, các doanh nghiệp cùng vào cuộc, có những hình thức xử phạt người vi phạm thì mới mong từng bước nâng cao chất lượng cao su Việt Nam . Nhà nước cần đưa ra quy hoạch ngành cao su và xây dựng các nhà máy thật hợp lý, gắn với vùng nguyên liệu và không để ra đời quá nhiều nhà máy trên một vùng nguyên liệu.

(Theo TTXVN)

Liên hệ ngay
Xin chào! Chúng tôi có thể giúp gì cho bạn?
Gọi ngay