351, ấp 3, Bến Củi

Dương Minh Châu, Tây Ninh

0395 41 51 21

Zalo , Facebook

T2 - CN : 7:30 - 19:00

Liên hệ tư vấn và báo giá

Bến Củi – DMC – Tây Ninh 22/1/2013 – Cao Su Tây Ninh mùa rụng lá

Ai lần đầu đến quê tôi cũng ấn tượng với rừng cao su bạt ngàn, thẳng tắp. Vào tháng Giêng, ngắm những thảm lá cao su hay những thân cây vươn mình chống chọi với giá rét, đẹp không thể tả.

    Hồi còn học cấp I, lũ trẻ chúng tôi cuốc bộ cả cây số đến trường. Khi đã có “kinh nghiệm đường sá”, chúng tôi quyết định đi đường tắt, băng qua mấy lô cao su để tới lớp nhanh hơn. Mùa hè, chúng tôi thích đi dưới tán cây cao su râm mát. Những đứa trẻ hiếu động nào cũng khoái mùa lá rụng. Vào thời điểm đó, chúng tôi vừa đi học vừa nghịch ném lá. Bài binh bố trận, đào hố rồi ôm lá cao su lấp lên trên. Ngày nào không bẫy được một bạn ngã vào cái hố được ngụy trang bằng lá cao su ấy thì chúng tôi chưa chịu về nhà. Ra Giêng, trời rét cóng. Cuộc chơi của chúng tôi như hâm nóng bầu không khí lạnh lẽo đang lan tràn vào từng khu nhà. Lạnh nhưng người đứa nào cũng nhễ nhại mồ hôi, miệng thở dốc vì mệt, hơi thở thoát ra trắng như khói.

    Rồi đến thời cấp II, chúng tôi được trang bị xe đạp đi học. Đạp xe dưới tán lá rụng cũng thú vị không kém. Lá cao su có khi rụng ào ào như có ai đứng trên cây trút xuống. Nhưng lá chỉ rụng từng đợt theo gió. Thật thú vị khi đi dưới những thảm lá vàng. Lá rơi… Có cậu bạn vội chộp lấy một chiếc lá khô to tướng, đạp nhanh tới bên chiếc xe màu trắng, thả lá vào giỏ xe của cô bé tóc tém kia rồi chạy biến. Mùa cao su rụng lá đã mang những cảm xúc đầu đời vẹn nguyên gieo vào lòng những cô cậu học trò quê tôi. Đến giờ nhắc lại, cậu bạn kia vẫn có chút ngượng ngùng.

    Sau mùa rụng lá, cao su có nhiều cành khô. Người dân quê tôi làm những cái khều dài, móc cành khô trên cây đem về đun nấu. Tôi vẫn nhớ hoài mùi cay cay của khói và bộ mặt lấm lem vì nhọ nồi của mấy chị em lúc vào bếp trổ tài. Có khi chất đốt được thay bằng vỏ quả cao su. Loại vỏ này cháy tốt và giữ lửa lâu nên mọi người rất chuộng. Hồi đó, cứ sau buổi học, mấy đứa trẻ xóm tôi thi nhau đi nhặt vỏ. Vừa phụ giúp bố mẹ, vừa được tụ tập bạn bè đi chơi thỏa thích ngoài rừng cao su. Chúng tôi nhặt cật lực để dành thời gian còn lại cho việc chơi. Bao nhiêu trò được bày ra: nào là ghép hai mảnh vỏ cao su lại và xoay thi, nào là nhóm bếp bằng củi cao su để nướng châu chấu… Trò nào tôi cũng tham gia nhưng chỉ có món châu chấu nướng là tôi chịu.

    Tôi còn thích trò thổi “sáo” thi. “Sáo” không phải làm từ cây trúc mà được làm từ hạt quả cao su. Hạt này to hơn ngón tay cái chút xíu, màu thẫm và bề mặt có đường vân nhìn rất lạ mắt. Chúng tôi khoét một lỗ nhỏ vừa đủ để kề miệng lên thổi. Âm thanh phát ra là minh chứng xác thực cho tài năng của đứa trẻ nào “sành điệu”.

    Đã lâu rồi tôi không còn thấy bóng dáng của những đứa trẻ đi kiếm củi, nhặt hạt, nhặt vỏ quả cao su khô; không còn nghe tiếng “sáo” ngô nghê vang trong gió của lũ chân đất đầu trần…

Nguyên Nguyên – Báo Phụ Nữ online

Liên hệ ngay
Xin chào! Chúng tôi có thể giúp gì cho bạn?
Gọi ngay